Cho thuê xe đi Chùa Keo – Đền Trần

Chùa Keo – Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Keo (Thần Quang tự) hiện nằm trên địa bàn xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Ngày 28-4-1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá Quốc gia. Đến tháng 9-2012, một vinh dự nữa lại đến với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình: Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt, cùng với 10 di tích khác của cả nước.

Lịch sử chùa Keo

Theo các nghiên cứu từ Ban Quản lý di tích tỉnh, chùa Keo hiện tồn được xây dựng cách đây tròn 380 năm (1632). Song nguồn gốc xa xưa là từ một ngôi chùa tên Nghiêm Quang tự, được xây dựng trên đất làng Keo vào năm Tân Sửu, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 3 (1061) đời Lý Thánh Tông. Tháng 3 năm Đinh Hợi niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 5 (1167) đời Lý Anh Tông, chùa Nghiêm Quang được đổi là chùa Thần Quang”.

“Đến năm Tân Hợi (1611), gặp lúc tang thương, nước sông lũ lụt dâng đầy, đến nỗi ngôi chùa trôi dạt”. Từ đấy dân ấp Keo cũ phải dời đi 2 nơi, một chuyển về Đông Nam hữu ngạn sông Hồng (thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nay), một chuyển sang tả ngạn sông Hồng về phía Đông Bắc (được gọi là Dũng Nhuệ sau đổi là Dũng Mỹ, Hùng Mỹ, Dũng Nghĩa – bây giờ thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Sau sự kiện lũ lụt năm 1611 và sự kiện chuyển cư, làng Keo được chia làm hai làng, và sau đó cả hai làng đều xây dựng lại chùa và đều gọi theo tên Nôm là “Chùa Keo” – một là Chùa Keo Nam Định, một là Chùa Keo Thái Bình. Ngoài tên gọi theo địa danh “Thái Bình”, “Nam Định”, dân gian còn gọi Chùa Keo Thái  Bình là Keo trên, Chùa Keo Nam Định là Keo dưới. Cách gọi này là gọi theo dòng chảy thượng – hạ của sông Hồng, phía thượng nguồn là “Keo Thái Bình”, phía hạ nguồn là “Keo Nam Định”.

Chùa Keo Thái Bình được xây dựng vào năm 1632, có tên chữ là Thần Quang Tự, và hiện tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Cụ thể, căn cứ vào văn bia chùa Keo Thái Bình thì chùa Keo do một vị quan lớn thời Lê – Trịnh đứng ra khởi công xây dựng lại, đó là quận công Hoàng Nhân Dũng ở làng Tứ Quán, phủ Hải Thanh. Vì lúc bấy giờ đang có cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn nên chúa Trịnh chỉ cấp cho nhà chùa 100 cây gỗ lim, còn tất cả vật liệu khác đều do nhân dân tự đóng góp. Chính vì vậy, Hoàng Nhân Dũng đã phải mất 19 năm ròng đi vận động quyên góp (1611-1630), đến tháng 7-1630 ông đã mời được 42 hiệp thợ và khởi công công trình. Công trình xây dựng trong vòng 28 tháng thì hoàn thành, Chùa Keo đã được khánh thành tháng 11-1632.

Tổng thể kiến trúc

Chùa Keo Thái Bình là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, hiện còn tồn khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Với quy mô kiến trúc cổ rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam, chùa Keo cũng có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, riêng có. Theo văn bia và địa bạ chùa Keo thì diện tích toàn khu kiến trúc rộng 28 mẫu (100.800m2), bề ngang dài gần 500 mét, chiều sâu khoảng 200 mét. Theo bản đồ địa chính xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư thì khu di tích chùa Keo hiện nay có diện tích 40.907,9m2, đường giao thông nội tự (đường rước kiệu) có diện tích 654 m2. Tổng diện tích 41.561,9m2.

Chùa Keo quay mặt hướng chính nam. Mặt bằng các công trình Chùa Keo được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “nội nhị công, ngoại nhất quốc”. Nếu tính Tam quan ngoại là kiến trúc điểm đầu và Gác chuông phía sau chùa là điểm cuối, thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng theo hướng Bắc – Nam, gọi là đường thần đạo.

Được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ (gỗ lim), chùa Keo còn được xem là công trình nghệ thuật lớn nhất với hơn một trăm gian lớn nhỏ khác nhau. Nói về số gian và số công trình, có nhiều nghiên cứu đưa ra những số liệu khác nhau. Song theo ông Đoàn Ngọc Hân – Trưởng ban Quản lý di tích, Sở VHTT và DL: thực tế từ năm 1985 đến 1995 các công trình kiến trúc chính của chùa Keo không có sự thay đổi, các tác giả đưa ra số toà, số gian khác nhau là do cách kiểm đếm và xác định số toà, số gian của các công trình phụ trợ mà thôi. Qua nghiên cứu văn bia, kế thừa các nghiên cứu trước và thực tế tại di tích, ông Hân cho rằng hiện tại chùa Keo còn tồn nguyên vẹn 12 tòa,102 gian là công trình kiến trúc chính. Ngoài ra có 4 toà, 24 gian của các công trình kiến trúc phụ trợ, tổng số là 16 toà, 126 gian.

Các công trình kiến trúc chính của chùa Keo gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, Toà chùa Ông Hộ, Toà ống muống, Toà Tam bảo, Đền Thánh, Toà Giá roi, Toà Thiêu hương, Toà Phụ quốc, Toà Thượng Điện và cuối cùng là Gác chuông. Các công trình kiến trúc phụ trợ khác tại Chùa Keo gồm có khu tăng xá, trong đó có nhà tăng xá, hai nhà khách ở phía đông và phía tây của nhà tăng xá; nhà của ban quản lý Chùa Keo.

Đối tượng thờ tự

Chùa Keo là nơi thờ Phật như bao ngôi chùa khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhưng do quá trình hình thành và phát triển lịch sử làng xã cũng như việc xây dựng, chùa Keo Thái Bình có những đặc điểm riêng nên việc thờ tự của chùa Keo ngoài thờ Phật còn có thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh) và phối thờ một số người có công trong việc xây dựng chùa Keo. Vị thánh được thờ là thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học. Ông được thờ như một vị tổ sư, song Dương Không Lộ còn được thờ như một vị Thành hoàng của làng Dũng Nhuệ xưa.

Thánh tổ Dương Không Lộ thường tu hành ờ chùa làng Keo và được cho là người xây dựng lên ngôi chùa đầu tiên của làng có tên là Nghiêm Quang Tự. Sau khi sư Không Lộ tịnh thì chùa được đổi tên là chùa Thần Quang. Do vậy năm 1632 chùa Keo được xây dựng lại tại đất tả ngạn sông Hồng, chùa Keo Thái Bình vẫn thờ vị tổ sư thời Lý là Dương Không Lộ.

Viết một bình luận